Thông tin mới nhất về quy hoạch huyện Châu Đức

Thông tin về quy hoạch chi tiết huyện Châu Đức đến năm 2025 và định hướng đến 2030 mới nhất giành cho quý khách hàng đầu tư, phê duyệt định hướng và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội huyện Châu Đức được Dautudat.vn cập nhập với những nội dung như sau:

1. Tổng quan về vị trí địa lý huyện Châu Đức7

Huyện Châu Đức trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập và hoạt động từ tháng 8/1994 theo Nghị định số 45/1994/NĐ-CP ngày 02/6/1994 của Chính phủ, là một huyện nông nghiệp của tỉnh, có vị trí tiếp giáp như sau, phía bắc giáp huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, phía nam giáp huyện Đất Đỏ và Thành phố Bà Rịa, phía tây giáp Thị Xã Phú Mỹ, phía đông giáp huyện Xuyên Mộc.

Tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 42.456,61 ha, toàn huyện đến nay có 16 đơn vị hành chính, gồm 14 xã ( Bàu Chinh, Bình Ba, Bình Giã, Bình Trung, Cù Bị, Đá Bạc, Láng Lớn, Nghĩa Thành, Quảng Thành, Sơn Bình, Suối Nghệ, Suối Rao, Xà Bang, Xuân Sơn) và 2 thị trấn Ngãi Giao và Kim Long. Dân số trung bình của huyện hiện nay khoảng 157.816 người, lao động trong độ tuổi là 101.791 người.

2. Quan điểm phát triển Kinh tế - Xã hội huyện Châu Đức

2.1 Quan điểm phát triển tổng quan

Trong chiến lược chung của quy hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, huyện Châu Đức tập trung khai thác những lợi thế riêng về vị trí địa lý, giao thông, tiềm năng đất đai, tạo ra những bước phát triển đột phá có tính chất quyết định để chuyển đổi mạnh mẽ về chất của nền kinh tế.

Cùng với đó là chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư trên địa bàn phù hợp với cơ cấu kinh tế; nâng cao rõ rệt chất lượng cuộc sống nhân dân bao gồm:  Nâng cao mức sống, trình độ dân trí, thực hiện công bằng xã hội và dân chủ cơ sở; bảo vệ môi trường.

2.2 Quan điểm phát triển chi tiết

  • Phát triển theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế: Phát triển nền kinh tế mở, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; chủ động hội nhập quốc tế. quy hoạch phát triển đô thị, công nghiệp nhằm thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
  • Phát triển gắn liền với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường: phát triển phải gắn với phát triển hạ tầng để phát huy thế mạnh kinh tế của huyện, tăng thu nhập và nâng cao mức sống. Chú trọng đầu tư những ngành, lĩnh vực liên quan đến lợi thế của huyện, xây dựng mạng lưới đô thị theo nguyên tắc đảm bảo sự hợp lý không gian, tạo động lực để phát triển các khu vực và là tiền đề cho phát triển không gian hài hòa, cân đối giữa các xã, thị trấn trên địa bàn. Đồng thời chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp hóa và hiện đại hóa; tạo ra sự chuyển biến cơ bản về văn hóa, giáo dục, y tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Coi trọng giáo dục và đào tạo để nâng cao trình độ dân trí, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của tăng trưởng kinh tế nhanh và vững chắc.
  • Phát triển kết hợp quốc phòng, an ninh: Phát triển Kinh tế - Xã hội kết hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh là quan điểm đúng đắn có tầm nhìn chiến lược để phát triển ổn định và bền vững.

3. Mục tiêu phát triển huyện quy hoạch Châu đức

  • Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm tới thời kỳ 2020 - 2030 đạt khoảng 20%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo xu hướng khu vực I ngày càng giảm, khu vực II và III ngày càng tăng. Đến năm 2030: khu vực I: 9,75%, khu vực II: 50,10% , khu vực III: 40,15%. GDP bình quân đầu người đến năm 2020 54,9 triệu đồng
  • Phát triển một xã hội lành mạnh, ổn định, đảm bảo việc làm cho người lao động, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang các ngành công nghiệp, dịch vụ; nâng tỷ lệ lao động được đào tạo lên thành 70% vào năm 2020.
  • Hạn chế tốc độ gia tăng dân số, đảm bảo tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên giảm ,đến năm 2020 đảm bảo tỷ lệ tăng dân số tự nhiên khoảng 0,9%.
  • Phát triển văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế, nâng cao mức sống hưởng thụ văn hoá, đảm bảo sức khoẻ cộng đồng dân cư.
  • Nâng cao hạ tầng cơ sở khu vực nông thôn. Phát triển các khu vực nông thôn theo hướng phát triển nhiều ngành nghề; đảm bảo hầu hết dân cư nông thôn được cấp điện, nước sạch vào năm 2020 và các giai đoạn tiếp theo.
  • Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh; đảm bảo sự an toàn xã hội, giảm tối đa các tệ nạn xã hội làm cơ sở cho ổn định và phát triển kinh tế.

4. Định hướng phát triển quy hoạch huyện Châu Đức

a. Nông nghiệp

Phát triển nông nghiệp trên cơ sở thâm canh, tăng sản lượng và chất lượng, giảm chi phí, đạt hiệu quả cao và sử dụng tài nguyên hợp lý. Đồng thời đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nên cơ cấu cân bằng giữa nông nghiệp - lâm nghiệp, trồng trọt - chăn nuôi - dịch vụ nông nghiệp hợp lý nhất. Phát triển nông nghiệp phải đi đôi với xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

b. Ngành công nghiệp và xây dựng

Về Công nghiệp: phát triển các khu công nghiệp tập trung và các cụm công nghiệp có quy mô lớn, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có tỷ lệ khoa học kỹ thuật cao, sức cạnh tranh lớn. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn, quan tâm các cơ sở sản xuất công nghiệp với quy mô vừa và nhỏ.

Về Xây dựng: Tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị và quản lý chất lượng công trình. Sử dụng hợp lý, phát huy hiệu quả các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng nông thôn mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở nông thôn, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm tạo tiền đề phát triển Kinh tế - Xã hội nông thôn.

c. Thương mại - dịch vụ

Về các ngành thương mại - dịch vụ: Trong giai đoạn tới cần mở rộng giao thương với các khu vực sôi động của TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, thị trường vùng Duyên Hải Miền Trung, Đồng Bằng Sông Cửu Long và đặc biệt là thị trường nước ngoài về xuất khẩu nhập khẩu. Tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: cung ứng các mặt hàng công cụ, nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp; tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại địa phương; cung ứng các mặt hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm, …

Về dịch vụ: Du lịch trên địa bàn huyện chỉ tập trung phát triển 2 loại hình: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa, lễ hội và di tích. Định hướng dài hạn trên địa bàn huyện sẽ phát triển tuyến du lịch sinh thái: Ngãi Giao - Bàu Sen - Hòa Bình - Bàu Lâm; các khu du lịch: Thác Hoà Bình, khu du lịch Kim Long, khu du lịch Thanh Bình, khu du lịch phức hợp Hồ Suối Giàu, khu du lịch Xuân Sơn - Ngãi Giao.

5. Quy hoạch sử dụng đất huyện Châu Đức

Trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Châu Đức đã nhìn nhận: trong tương lai Châu Đức sẽ trở thành một huyện công nghiệp, trong cơ cấu kinh tế của huyện ngành kinh tế công nghiệp chiếm vị trí chủ đạo.

Vì vậy, trong bố trí quy hoạch sử dụng đất cần phải ưu tiên giành đất cho phát triển các khu cụm công nghiệp nhằm là cơ sở thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế của huyện nói chung cụ thể với ước tính trong 20 năm nữa, quỹ đất này sẽ vào khoảng 14.000 ha và song song với đó cũng phải ưu tiên giành quỹ đất cho đô thị hóa và đất phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm nhu cầu các ngành: giáo dục, văn hóa thể thao, y tế, giao thông, thủy lợi, an ninh quốc phòng.

Trong giai đoạn tới, đến năm 2030 khả năng đất nông nghiệp phải chuyển sang cho mục đích sử dụng phi nông nghiệp khoảng hơn 7.000 ha.

Theo dự báo dân số huyện Châu Đức đến năm 2030 khoảng 210.000 người, trong đó khoảng 22-25% dân số đô thị và 75-78% dân số nông thôn. Để bảo đảm nhu cầu đất ở cho dân số nói trên cần thiết phải quy hoạch chỉnh trang các khu dân cư hiện có và phát triển các khu dân cư mới đáp ứng nhu cầu đất ở, dịch vụ công cộng cho người dân với mức sống có chất lượng cao.

6. Quy hoạch tổng quan Châu Đức tạo động lực phát triển bất động sản

Theo quyết định số 3665/QĐ-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc phát triển quy hoạch tổng thể huyện Châu Đức. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện về việc tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển quy hoạch huyện theo chủ trương của UBND tỉnh. Đó chính là bước đệm cũng như là lợi thế để Kinh tế - Xã hội phát triển và kéo theo đó là thị trường bất động sản phát triển một cách vượt bật.

Chứng minh cho đều đó là sự xuất hiện hàng loạt các dự án quy hoạch quy mô lớn như dự án Green Bà Rịa tại xã Đá Bạc và mới đây là thông tin tập đoàn Vingroup xin khảo sát tại xã Bình Ba với 800ha diện tích đất,... đặc biệt là khu công nghiệp đô thị Sonadezi Châu Đức đã và đang đi vào hoạt động.

Theo nhận định của các chuyên gia, thời gian qua thị trường bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những phát triển rõ rệt. Đồng thời, với giá đất "quá rẻ" so với tiềm năng của nó, thì nơi đây chính là một trong những "điểm nóng" mà các nhà đầu tư cần lưu ý.

Vừa rồi là những thông tin quy hoạch huyện Châu Đức tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà Dautudat.vn tìm hiểu và tổng hợp được. Hy vọng bài viết trên đem lại những thông tin bổ ích cho bạn đọc.