Xây đô thị ngầm dưới lòng TP.HCM

Áp lực gia tăng dân số và sự quá tải hạ tầng đô thị đang khiến TP.HCM phải tìm đến không gian phát triển mới; trong đó, việc xây dựng và khai thác không gian ngầm được xem là định hướng đúng đắn, phù hợp để phát triển đô thị thông minh, đảm bảo trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ của cả nước.

“Áo” đô thị đã “chật”

TP.HCM có diện tích 2.095 km2. Theo Quyết định 24/QĐ-TTg ngày 6.1.2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025, thành phố là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ của cả nước.

Dân số đến năm 2025 đạt khoảng 10 triệu người, khách vãng lai và tạm trú khoảng 2,5 triệu người; trong đó, dân số khu vực nội thành khoảng 7 triệu đến 7,4 triệu người. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh, đến năm 2018, số dân sinh sống, làm việc, học tập tại thành phố đã lên đến 13 triệu người. Thành phố đã phủ kín quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 cho toàn bộ đất quy hoạch đô thị thành phố (trong khoảng gần 100.000 ha).

Mặt khác, thành phố hạn chế phát triển chiều cao công trình trong khu vực trung tâm; diện tích mặt đất khu vực trung tâm đã được sử dụng hết nhưng dân cư vẫn liên tục “nén vào” các toà nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chung cư, khiến hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông tại khu vực trung tâm quá tải trầm trọng.

Điều này cũng khiến kiến trúc không gian đô thị bị phá vỡ, không theo kịp tốc độ đô thị hoá. “Chiếc áo” đô thị thành phố đang ngày càng trở nên chật hẹp, người dân đang phải đối mặt với thách thức về kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, ngay tại khu vực trung tâm, không gian ngầm vốn là tài nguyên lớn lại chưa được quan tâm xây dựng đúng mức. Hiện tại, khu vực trung tâm TP.HCM có nhiều công trình dự án xây dựng tầng hầm với tổng diện tích xây dựng hầm hơn 11ha, hầu hết sử dụng mục đích đậu xe, một số dự án có tầng hầm sử dụng cho mục đích thương mại. TP.HCM cũng đang xây dựng tuyến metro số 1, trong đó có nhiều đoạn đi ngầm dưới lòng đất với tổng chiều dài khoảng 2,6km.

Tuy nhiên, việc tận dụng các không gian ngầm nói trên vẫn mang tính chất riêng lẻ, chưa tính đến các yếu tố kết nối hài hòa về tổng thể các chức năng, không gian ngầm trên một diện tích rộng mà việc bổ sung quy hoạch không xây dựng ngầm được tính toán một cách bài bản là điều cần thiết trong lúc này.

Theo ông Hoàng Tùng - Phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, việc lập quy hoạch không gian ngầm đô thị là yêu cầu cấp thiết, nhằm định hướng cho việc quản lý và sử dụng đất, đầu tư xây dựng và đảm bảo tầm nhìn lâu dài, khai thác hiệu quả không gian ngầm trong tương lai.

“Khai thác không gian ngầm chính là một phần quan trọng trong quy hoạch chung phát triển TP.HCM nhằm giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông, gia tăng diện tích cho giao thông ngầm, kết nối với các không gian tiện ích khác như đi bộ, thương mại” – ông Tùng nói.

Đô thị ngầm bám theo các tuyến metro

Theo đề xuất của Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, trước mắt, thực hiện quy hoạch không gian ngầm cho tuyến metro số 1, 2, 3a, 3b, 4, 5, 6. Các tuyến này có chung ga ngầm trung tâm Bến Thành (quận 1) với diện tích 45.000m2.

Ngoài ra, Sở Quy hoạch - kiến trúc cũng đề xuất triển khai quy hoạch không gian ngầm tại khu trung tâm hiện hữu 930ha sẽ là nơi có nhiều công trình cao ốc, nhà cao tầng, có giá trị sử dụng đất rất cao và khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, quy mô 657ha); đồng thời, tập trung vào các khu vực trọng điểm xung quanh nhà ga metro, các không gian công cộng lớn, các tuyến giao thông chính…

Theo ông Hoàng Tùng, dự kiến đến năm 2019, Sở này sẽ hoàn chỉnh quy hoạch phát triển không gian ngầm thành phố với ưu tiên tập trung phát triển không gian ngầm khu trung tâm thành phố (vùng lõi 930 héc ta) và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây là mô hình mẫu sau đó sẽ nhân rộng ra các khu vực khác của thành phố.

Trong vai trò nhà tư vấn việc lập quy hoạch không gian ngầm của TP.HCM, KTS Võ Kim Cương cho biết, vấn đề cốt lõi của việc xây dựng không gian ngầm không phải là xây cái gì mà là chỗ nào được xây, nơi nào không được xây. Do đó, khâu khảo sát, đánh giá về địa chất, thủy văn phải được thực hiện đầu tiên trong công tác lập quy hoạch.

Bên cạnh đó, yếu tố khống chế không gian ngầm chính là các quy hoạch tuyến, cụ thể đối với thành phố là các tuyến metro. Vì thế, việc lập quy hoạch nên bám theo các tuyến metro, sau đó mới chia lớp không gian để quản lý (chẳng hạn từ mặt đất xuống bao nhiêu mét thì được xây dựng và xây dựng những công trình nào…).

Hầm metro của tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) đang hình thành. Ảnh: Minh Quân
Hầm metro của tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) đang hình thành. Ảnh: Minh Quân

Vướng “mạng nhện” hạ tầng dưới lòng đất

Hiện dưới lòng đất của TP.HCM ngổn ngang "mạng nhện" các công trình ngầm của các đơn vị quản lý độc lập. Đơn cử, Sở GTVT quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, kể cả đường sắt đô thị và hầm đường bộ, hệ thống thoát nước mưa, nước thải, mạng lưới cấp nước; Sở Công thương quản lý hệ thống lưới điện; Sở Thông tin - truyền thông quản lý hệ thống cáp viễn thông...

Theo các chuyên gia, một khi thiếu cơ sở dữ liệu chung về quản lý các công trình ngầm hiện hữu thì sẽ là rất khó cho thành phố lập quy hoạch xây dựng không gian ngầm đầy đủ và hoàn chỉnh. Bài toán đặt ra hiện nay là tìm đơn vị làm đầu mối tập hợp đầy đủ dữ liệu để dễ quản lý chung, đồng bộ toàn bộ hạ tầng kỹ thuật ngầm như đường dây điện, viễn thông, cấp nước, thoát nước... để từ đó phục vụ cho việc lập quy hoạch phát triển không gian ngầm nói chung.

Kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường chia sẻ câu chuyện làm đề tài về các “hố tử thần” từ nhiều năm trước và chỉ ra sự bất cập trong công tác quản lý, khai thác dữ liệu. Ông Trường cho biết, khi đào bới dưới nền đất thì đụng tới... 15 đơn vị quản lý (điện, cấp nước, thoát nước, internet...). Đi xin dữ liệu thì vừa tốn thời gian vừa phải trả chi phí qua “người quen”.

Theo TS Phan Hữu Duy Quốc, thuận lợi trong việc phát triển công trình ngầm hay không nằm ở việc có dữ liệu hay không. Khó khăn của việc xây dựng công trình ngầm ở TP.HCM là không biết dưới đất có gì nên việc đấu thầu rất rủi ro, ai cũng ngại làm. Theo TS Quốc, nhiều lúc đào dưới đất lên một số chướng ngại vật mà không biết ai là chủ.

“Thấy đường dây cáp, thông báo tìm chủ một tuần thì không thấy ai nhưng khi cắt thì có người xuất hiện. Công trình metro của thành phố cũng vậy, có những đường ống nước nghĩ đã “chết” rồi nhưng khi đập bỏ thì nước tràn ra” - ông Quốc dẫn chứng.

KTS Võ Kim Cương cho biết, việc xây dựng cơ sở dữ liệu GIS đã bắt đầu cách đây khoảng 20 năm nhưng ước vọng xây dựng trung tâm thông tin GIS của thành phố vẫn chưa thực hiện được. Hiện rất cần những quy chế, chính sách quản lý thông tin dữ liệu. “Thành ủy nên xác định đây là chương trình trọng điểm thứ 8 của thành phố. Cơ sở dữ liệu là nền tảng của nền tảng bởi không có thông tin thì không làm được gì cho chính xác” – ông Cương nhấn mạnh.