Phường Tấn Tài thành phố Phan Rang Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận

Tấn Tài là 1 phường của TP. Phan Rang - Tháp Chàm. Tổng diện tích theo k2 là: 2,8606 km2 (2008), dân số: 8.157 người (2008), mật độ dân số: 2851 người/km2. Tấn Tài là địa phương tập trung đông đồng bào Công giáo của TP. Phan Rang - Tháp Chàm với nhà thờ Tấn Tài là một trong những nhà thờ lớn nhất của thành phố và của tỉnh. Dân cư của phường phân bố chủ yếu dọc theo các tuyến đường Ngô Gia Tự, Hải Thượng Lãn Ông và trung tâm thôn Tấn Lộc.

Vị trí địa lý Phường Tấn Tài

  • Hướng Bắc giáp phường Mỹ Hải. 
  • Hướng Tây Bắc giáp phường Thanh Sơn. 
  • Hướng Tây giáp phường Kinh Dinh. 
  • Hướng Tây Nam giáp phường Đạo Long. 
  • Hướng Đông giáp phường Mỹ Đông. 
  • Hướng Nam giáp với xã An Hải, huyện Ninh Phước. 

Vị trí địa lý Phường Tấn Tài theo Google Maps

Lịch sử Phường Tấn Tài

Trước năm 1977, Tấn Tài là 1 phường của thị xã Phan Rang. Ngày 27 tháng 4 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ban hành quyết định số 124-CP, chia tách thị xã Phan Rang thành thị trấn Phan Rang trực thuộc huyện Ninh Hải và thị trấn Tháp Chàm trực thuộc huyện An Sơn. P. Tấn Tài tách thành hai thôn Tấn Tài A và Tấn Tài B trực thuộc thị trấn Phan Rang.
Ngày 13 tháng 3 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành quyết định số 104-CP, điều chỉnh địa giới hành chính một số xã và thị trấn thuộc tỉnh Thuận Hải. Các thôn Tấn Tài A, Tấn Tài B của thị trấn Phan Rang và thôn Tấn Lộc của xã Mỹ Hải lập thành xã Tấn Hải thuộc huyện Ninh Hải.
Ngày 1 tháng 9 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành quyết định số 45-HĐBT, tái lập thị xã Phan Rang - Tháp Chàm. Xã Tấn Hải theo đó cũng được tái lập thành P. Tấn Tài thuộc thị xã Phan Rang - Tháp Chàm.

Ngày 25 tháng 12 năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2001/NĐ-CP, thành lập và điều chỉnh địa giới hành chính một số phường thuộc thị xã Phan Rang - Tháp Chàm. Theo đó, 4,22ha diện tích tự nhiên và 236 nhân khẩu P. Tấn Tài chuyển về phường Thanh Sơn, đồng thời 9,22ha diện tích tự nhiên và 233 nhân khẩu phường Kinh Dinh được chuyển về P. Tấn Tài.

Ngày 21 tháng 1 năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2008/NQ-CP, thành lập và điều chỉnh địa giới hành chính một số phường thuộc TP. Phan Rang - Tháp Chàm. Theo đó, 2,72 diện tích tự nhiên của xã Mỹ Hải được chuyển về P. Tấn Tài quản lí.

Về Giáo dục Phường Tấn Tài

  • Trường Tiểu học Tấn Tài 1 - đường Nguyễn Gia Thiều, P. Tấn Tài.
  • Trường Tiểu học Tấn Tài 2 - thôn Tấn Lộc, P. Tấn Tài.
  • Trường Tiểu học Tấn Tài 3 - đường Hồ Xuân Hương, P. Tấn Tài.
  • Trường Trung học cơ sở Trần Thi - đường Trần Thi, P. Tấn Tài.
  • Trường dạy nghề Giáo xứ Tấn Tài - đường Hải Thượng Lãn Ông, P. Tấn Tài.

Hội Khuyến học (HKH) P. Tấn Tài (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) hiện có 338 hội viên, gồm 16 chi hội, trong đó 1 chi hội công đoàn cơ sở, 8 chi hội thôn khu phố, 5 chi hội trường học và 2 chi hội dòng họ. Hằng năm, số trẻ trong độ tuổi huy động ra lớp đạt 100%, học sinh THCS đạt 100% và PTTH đạt 99%. 

Để có được những kết quả này, Ban Chấp hành HKH đã nỗ lực không ngừng trong tất cả các mặt hoạt động: vận động con em tới lớp, xây dựng quỹ hội, khen thưởng kịp thời những cá nhân tập thể, dòng họ…làm tốt công tác giáo dục, vận động các nhà hảo tâm, để tạo thêm nguồn hỗ trợ giúp đỡ con em trong phường có điều kiện đi học và học tốt hơn. 

Từ năm 2007 đến năm 2011, HKH P. Tấn Tài đã hỗ trợ cho 367 em có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 40 triệu đồng; trao 118 suất học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi; khen thưởng 3.291 học sinh có thành tích học tập xuất sắc, đỗ đại học…Ngoài ra, Hội cũng khen thưởng kịp thời nhằm khích lệ tình thần yêu nghề, vì sự nghiệp giáo dục cho 241 giáo viên.

Về Y tế Phường Tấn Tài

  • Trung tâm Y tế Thành phố Phan Rang Tháp Chàm - Đường Ngô Gia Tự, P. Tấn Tài
  • Trạm Y tế P. Tấn Tài - Đường Nguyễn Thị Định, P. Tấn Tài

Văn hóa - Du lịch Phường Tấn Tài

Tại Phan Rang, P. Tấn Tài được xem là nơi tập trung đông cư dân theo đạo Công giáo nhất của thành phố. Những cư dân đạo Công giáo đầu tiên của nơi này vào khoảng thế kỷ 17 là những người từ vùng khác đến lập nghiệp và mang theo tinh thần đạo về đây. Vài trăm năm sau, khoảng đến thế kỷ 19, giáo xứ Tấn Tài mới được thành lập, dưới sự dẫn dắt của linh mục Thừa sai Gonzagne Villaume còn gọi là cha cố Đề. 

Cùng dân khai hoang mấy trăm mẫu ruộng, đắp đập, đào mương để phục vụ nông nghiệp, cha cố Đề đã giúp khá nhiều cho người dân Tấn Tài không chỉ về đời sống tinh thần, tâm linh, mà còn ở bên họ cùng làm kinh tế. 

Đến năm 1900, nhà thờ Tấn Tài được xây dựng với kiến trúc rất đặc biệt. Kiến trúc của nhà thờ Tấn Tài được cho là có một không hai ở Ninh Thuận và thậm chí ở khu vực Đông Dương, chỉ có thêm một nhà thờ ở Phnom Penh của Campuchia là có kiến trúc tương tự. 

Ẩn hiện sau cánh cổng khép giản dị, là mẫu hình kiến trúc nhuộm màu thời gian đậm phong cách phương Tây. Nét kiến trúc gothic phảng phất dễ khiến du khách hình dung về những vương cung thánh đường nổi tiếng của người Công giáo. 

Khuôn viên của nhà thờ khá rộng, thoáng đãng, hàng cây xanh làm tươi mát thêm không gian, và khiến cho cấu trúc kết hợp kiến trúc hình tháp ở Hướng cửa ra vào, cùng nhà tròn với các mái vòm bên hông ẩn hiện càng thêm cổ kính.